Trong phần tọa đàm tại hội thảo khoa học về sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam diễn ra hôm nay (18/8), ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, đã nêu ra một loạt thách thức mà ngành xi măng phải đối mặt.
Ông Cung cho biết, cách đây 1 tuần, giá than nhập khẩu là khoảng 210-220 USD, trong khi đó nguyên liệu than chiếm 56% trong giá thành sản xuất clinker. Giá than cao như vậy, theo ông Cung, là "chết" doanh nghiệp. Giá than tăng đẩy nhiều dây chuyền sản xuất vào cảnh phải dừng hoạt động.
Chưa kể, theo ông Cung, khi giá xi măng tăng thì nhà thầu xây dựng cũng chịu tác động, giá đội lên phải dừng thi công hoặc không sẽ thua lỗ. Không chỉ ngành xây dựng khó khăn, ông Cung cho rằng sự khó khăn này còn gây hệ lụy cho cả nền kinh tế.
Các diễn giả tại hội thảo khoa học "Sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (Ảnh: BTC).
Về giải pháp, ông Cung cho biết ngành xi măng đang cố gắng giảm lượng clinker trong xi măng. Tuy nhiên việc thay thế này cũng gặp không ít khó khăn.
Thách thức lớn thứ hai được Chủ tịch Hiệp hội Xi măng nhắc tới đó là tình trạng mất cân đối cung cầu. Cụ thể, tổng công suất thiết kế hiện nay của ngành xi măng là 107 triệu tấn song do ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lên đến 123 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa là khoảng hơn 50 triệu tấn.
Đối với vấn đề môi trường, ông Cung nhấn mạnh, ngành xi măng rất quan tâm và hăng hái đầu tư bởi ngoài vấn đề về môi trường thì còn mang lại hiệu quả kinh tế. Ông dẫn ví dụ về vấn đề sử dụng rác thải, phế thải và bùn thải… vào chế biến. Tuy nhiên, vị này chỉ ra, quá trình này gặp rất nhiều khó khăn về các loại thủ tục khác nhau. Việc biến rác thải thành xi măng gặp ách tắc vì lấy được nguồn là vô cùng khó.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cũng nhắc tới một vấn đề nan giải nhiều công ty xi măng gặp phải. Đó là hiện nay, hầu hết nhà máy xi măng đều sản xuất vượt công suất thiết kế khi đẩy mạnh năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật… Kéo theo đó là nguyên vật liệu đầu vào cũng phải tăng, dẫn đến tình trạng khai thác tăng vượt mức được cho phép. Bài toán này là hết sức khó khăn đối với các nhà máy, theo ông Cung.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Xuân Khôi, Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch, cũng cho biết, khi công nghệ khoa học phát triển, năng suất lao động ngành xi măng tăng, nhu cầu đá vôi, đất sét cũng nhiều hơn. Trong khi đó, cấp phép ban đầu cấp lại theo công suất, khi tăng công suất lên thì sẽ gặp hạn chế.
Ông Khôi cũng nhấn mạnh, ngành xi măng đang đối mặt khó khăn khi cung vượt xa cầu, dẫn đến cảnh cạnh tranh nhau rất khốc liệt cả về địa bàn, giá cả, số lượng. Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất xi măng trước đây có quy mô bé, công nghệ lạc hậu nay muốn cải tạo để đồng bộ cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Vân, Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, cũng nhắc tới vấn đề vượt công suất khi đề cập tới mối lo lớn nhất của người lao động. Theo vị này, sức khỏe của doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động. Doanh nghiệp có ổn định, phát triển thì đời sống người lao động mới đảm bảo.
Song ông nêu thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đều phát triển vượt công suất thiết kế. Nếu đúng thiết kế thì không đảm bảo tối ưu cho sản xuất. Tuy nhiên, phần xin tăng lên thì rất khó khăn, theo ông Vân. Doanh nghiệp thấy lo lắng nhất khi khai thác, sử dụng khoáng sản.
Còn theo ông Phạm Đức Trung, Phó tổng giám đốc công ty Xi măng Nghi Sơn, trăn trở rất lớn của ngành xi măng sắp tới là làm sao đẩy mạnh được thị trường xuất khẩu. Song theo ông Trung, việc xuất khẩu cũng gặp nhiều rào cản. Mỗi chính sách ở mỗi nước khác nhau. Nhiều thị trường có những rào cản pháp lý.
Ông cũng lo ngại về mức độ cạnh tranh khốc liệt của thị trường này khi trong giai đoạn tới các thương hiệu xi măng lớn vào Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, công suất sản lượng của ngành xi măng đã tăng từ khoảng 4,4 triệu tấn năm những năm đầu Đổi mới lên 107 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong số 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga). Năm 2021, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt gần 45 triệu tấn, ước đạt 2,1 tỷ USD, là giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.