* Bài tiết lộ một phần nội dung vở diễn
Tác phẩm do gánh hát Huỳnh Long dàn dựng, diễn suất đầu tại Trung tâm Văn hóa quận 6, TP HCM, tối 11/6. Vở quy tụ các nghệ sĩ như Hoài Linh, Thoại Mỹ, Bình Tinh, Thái Vinh, Huyền Trâm, Ngân Tuấn...
Trích đoạn Hoài Linh diễn cùng Bình Tinh trong vở cải lương "Hoàn Châu Cách Cách". Ngoài suất tối 11 và 12/6, vở dự kiến tiếp tục công diễn vào tháng 7. Video: Tân Cao Hoàn Châu cách cách kể về cuộc đời của cô gái mồ côi Tiểu Yến Tử (Bình Tinh đóng) với tính cách lém lỉnh, có chút võ nghệ. Cô kết giao Hạ Tử Vy (Phương Cẩm Ngọc) - một thiếu nữ lên Bắc Kinh tìm cha. Sau dò hỏi, Tiểu Yến Tử biết Tử Vy là công chúa triều Thanh - con gái Hoàng đế Càn Long (Ngân Tuấn).
Sóng gió bắt đầu khi Tiểu Yến Tử khiến Càn Long nhận nhầm cô là con gái riêng của mình với một phi tần. Tiểu Yến Tử không phủ nhận hiểu lầm, khiến bản thân lún sâu vào rắc rối. Sau khi Tiểu Yến Tử đưa được Hạ Tử Vy vào cung, họ năm lần bảy lượt đối mặt mưu kế thâm độc của hoàng hậu (Thoại Mỹ) và Dung Ma Ma (Hoài Linh).
Không phải vai chính, Hoài Linh vẫn là điểm sáng. Nghệ sĩ có nhiều đất diễn, góp mặt trong năm phân cảnh tạo tiếng cười.
Từng nhiều lần đóng giả gái trong hơn 30 năm, sau thời gian vắng bóng sàn diễn vì scandal đời tư, Hoài Linh giữ phong độ diễn xuất, không gặp khó khi hóa thân Dung Ma Ma - nhân vật kề cận hoàng hậu, tính cách độc ác. Sống trong cung nhiều năm, bà biết nhiều chuyện, bày mưu tính kế, trực tiếp ra tay hãm hại Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vy... Cuối cùng, bà phải trả giá - bị vua giam vào đại lao. Nghệ sĩ làm toát lên tính cách nhân vật qua dáng đi, cách gằn giọng, hành động liếc mắt, chống hông, bĩu môi, quắc mắc... Các phân cảnh của anh đều nhận tràng pháo tay cổ vũ của người xem.
Hoài Linh (thứ ba phải sang) trong một phân cảnh. Ảnh: Tân Cao
Vở diễn đánh dấu sự trở lại sân khấu cải lương của Hoài Linh sau gần một năm rút lui khỏi làng giải trí. Hoài Linh nhận lời tham gia tuồng cổ sau nhiều năm vì lòng ngưỡng mộ cố soạn giả Bạch Mai. "Tôi kính cô Bạch Mai như mẹ. Biết Bình Tinh cùng các nghệ sĩ trong gia tộc nỗ lực khôi phục tuồng cồ, tôi muốn góp sức", nghệ sĩ nói.
Hồi tháng 1, nghệ sĩ từng diễn vai ông chủ trọ keo kiệt ở vở kịch Lạc giữa biển người - một trong 26 tác phẩm dự thi Liên hoan kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam.
Khán giả vây quanh Hoài Linh xin chụp hình sau đêm diễn. Video: Tân Cao
Kết thúc đêm diễn, hàng chục khán giả chạy lên sân khấu tặng hoa, chúc mừng đoàn. Hoài Linh nán lại cảm ơn mọi người, chụp ảnh chung. Khán giả Bình Nguyên, 60 tuổi, quận Tân Bình, nói: "Hoài Linh khiến vở diễn có điểm nhấn, thêm màu sắc". Hoàng Gia Hưng, 25 tuổi, ở quận Gò Vấp, nói: "Tôi yêu mến chú từ lâu. Nhiều năm qua, không có cơ hội xem nghệ sĩ diễn sân khấu. Khi biết về lần tái xuất này, tôi mua vé ngay".
Bình Tinh nói về việc Hoài Linh nỗ lực tập tuồng cổ sau đêm diễn. Video: Ngọc Lâm
Các nghệ sĩ Thoại Mỹ, Thái Vinh, Huyền Trâm, Ngân Tuấn... được nhận xét diễn tròn vai, nhiều năng lượng. Hát và diễn gần bốn tiếng, họ vẫn giữ vững cột hơi, thể hiện nhiều câu vọng cổ dài, vừa dứt lời liền nhận được tràng vỗ tay lớn từ khán giả. Trong đó, Bình Tinh được xem là "linh hồn" của vở. Cô xuất hiện liên tục, biến hóa đa dạng từ kẻ ăn trộm, công chúa bướng bỉnh đến vẻ đáng yêu khi ở cạnh người mình thương. Nghệ sĩ được khán giả khen làm chủ sân khấu, chất giọng vang, cảm xúc.
Kịch bản gốc gồm ba hồi, từng được soạn giả Bạch Mai viết lại từ cốt truyện phim truyền hình cổ trang cùng tên của Trung Quốc. Khi dựng phiên bản sân khấu, con gái bà - nghệ sĩ Bình Tinh - cắt một hồi để cô đọng hơn. Sân khấu không sử dụng quá nhiều đạo cụ, thiết kế đơn giản, phần nhiều nhờ hỗ trợ của màn hình led để tạo bối cảnh. Êkíp đầu tư về phục trang với gần 100 nhân viên hỗ trợ hậu đài.
Đạo diễn Hữu Quốc nói bị áp lực khi dựng lại kịch bản từng được Bạch Mai viết theo thể loại video cải lương. Anh hướng tác phẩm theo màu sắc vui tươi, nhẹ nhàng, gửi thông điệp: Để sống tốt, con người không nên đố kỵ vì cái thiện luôn chiến thắng cái ác.
Tân Cao