Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thành lập Hội đồng thẩm định Mũ quan và áo Nhật bình sau khi tiếp nhận từ Tập đoàn Sunshine. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế cung cấp.
Không thể bằng nguồn lực nhà nước
Như Lao Động đã thông tin, ngày 22.10.2021, một nguồn tin từ Châu Âu cho biết nhà đấu giá ở Barcelona (Tây Ban Nha) chuẩn bị đấu giá một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn với giá khởi điểm từ 500 - 600 Euro.
Chiếc hộp đựng Mũ quan đại thần triều Nguyễn (trong khung) nằm trong kho của Balclis trước khi được đưa ra đấu giá. Ảnh: Tường Minh
Nội dung đấu giá cùng các hình ảnh về chiếc mũ quan này đăng tải liên tục trên báo Lao Động đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Ngày 23.10.2021, ông đã liên hệ các đồng nghiệp với nội dung tìm cách để tham gia đấu giá chiếc mũ này nhằm giữ lại tài sản văn hóa cho Huế.
Nhiều ý kiến bàn thảo đưa ra, tất cả đều căn cứ vào thực tế vào hai lần mà đơn vị từng tham gia đấu giá cổ vật trước đây (trường hợp bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi và Chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh).
Các vấn đề được đặt ra là: Chiếc mũ và hộp đựng có giá 600 Euro (giá công bố trên trang của Nhà đấu giá) chỉ mang tính khởi điểm. Thực tế, giá trị cả bộ hiện vật này lớn hơn nhiều, mà dự báo của những người làm nghiên cứu và từng thụ lý nhiều loại hồ sơ chuyển nhượng cổ vật ở Trung tâm ước khoảng 2 tỉ đồng. Đó cũng chỉ là ước định cho một cổ vật tương ứng mà thôi, còn trên thực tế, việc đấu giá diễn ra rất khó lường.
Chỉ tiếp xúc qua bức ảnh, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về độ chính xác của “cổ vật” trong khi theo quy định về quản lý nhà nước, muốn mua một cổ vật cho bảo tàng thì phải thành lập một hội đồng thẩm định giá trị thật của cổ vật?
Việc đấu giá cổ vật trong những trường hợp tương tự chỉ có thể “đặt cược” vào uy tín của nhà tổ chức đấu giá mà thôi. Nhưng trước đó, ngày 19.7.2021, nhà đấu giá GWS Auctions, một công ty chuyên bán đấu giá đồ trang sức, ôtô và các vật phẩm Hoàng gia cổ có trụ sở tại Agoura Hills, California (Hoa Kỳ) đã đấu giá một thanh kiếm mà họ cho là của Hoàng đế Thành Thái.
Kết quả là thanh kiếm đã được bán với giá 50.000 USD. Song, đây là một hiện vật mới, có tính chất ngụy tạo lịch sử.
600 Euro hay 2 tỉ đồng là những con số phỏng ước về giá cổ vật và cũng theo quy định, việc quyết định giá này trước hết sẽ do một Hội đồng thẩm định giá với sự tham gia của nhiều phía, vậy ngân sách cần chi bao nhiêu thì đủ?
Trên thực tế, việc tham gia đấu giá cần có sự chủ động nhất định của người tham gia, nếu các bên tham gia đấu giá tiếp tục “bỏ giá” ở mức cao hơn số kinh phí mà Huế được cấp (nếu được phê duyệt) thì sẽ ứng xử ra sao: Bỏ cuộc (như trường hợp đấu giá bức tranh Chiều tà năm 2010) hay gọi điện liên tục để xin ý kiến (như trường hợp đấu giá Chiếc xe kéo tay năm 2014)?
"Những thực tế trên đều có thể làm “chùn bước” nhà quản lý. Tháo gỡ là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không tưởng", ông Hoàng Việt Trung nhớ lại.
"Khó, nhưng phải tìm cách"
Chuyện đấu giá chiếc Mũ quan đại thần triều Nguyễn sau đó tiếp tục được lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đàm thảo với nhà chức trách cao nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện Tập đoàn Sunshine trong buổi thẩm định cổ vật. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế cung cấp.
Và ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc với sự thể hiện quyết tâm cao độ: “Khó, nhưng phải tìm cách”.
Thời đó đó, trùng hợp là hai vị lãnh đạo Tập đoàn Sunshine (một tập đoàn kinh tế đa ngành) có chuyến tham quan Hoàng Cung Huế và làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Nhân chuyến tiếp xúc này, phía Thừa Thiên Huế có trao đổi về sự kiện đấu giá chiếc mũ trên. Sau đó, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố cùng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mời hai đại diện của Sunshine tham quan điện Long An, nơi trưng bày cổ vật triều Nguyễn (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) vào sáng 24.10.2021.
Một “tour du lịch ngắn” tìm hiểu về di sản Huế qua cổ vật trưng bày tại đây thêm phần xúc tác, kích thích sự hưởng ứng rồi nhận lời tham gia đấu giá chiếc mũ quan này nhằm trao tặng cho nhân dân Thừa Thiên Huế của đại diện Tập đoàn Sunshine.
"Nhận thấy đây là những cổ vật nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội, có giá trị lớn về văn hoá - lịch sử, đồng thời được các chuyên gia về di vật, cổ vật triều Nguyễn đánh giá cao, Tập đoàn mong muốn hồi hương và trao tặng hai cổ vật trên tới Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với mục đích bảo quản, lưu giữ và trưng bày", ông Đỗ Văn Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine viết trong văn bản gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc “đề nghị hiến tặng cổ vật nhằm mục đích trưng bày”..
Cũng theo ông Đỗ Văn Trường, "qua đó, Tập đoàn Tập đoàn Sunshine mong muốn tạo ra những tác động tích cực về văn hoá - lịch sử; đóng góp một phần vào sự phát triển toàn diện cả về kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế".