Trong khuôn khổ Tuần lễ Phê bình Quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) tại Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 81, bộ phim Việt “Mưa Trên Cánh Bướm” (Don’t Cry Butterfly) đã xuất sắc giành về hai giải thưởng lớn là “IWONDERFULL” và “Circolo del Cinema Verona” cùng nhiều lời khen từ giới phê bình quốc tế. Liệu đây có phải một tín hiệu đáng mừng cho nền điện ảnh Việt Nam?
LHP Venice là LHP lâu đời nhất thế giới, thành lập từ năm 1893 và được tổ chức thường niên tại Venice, Ý. Mức độ uy tín của giải thưởng được xếp hạng vào “Big Five”, một trong năm LHP lớn nhất thế giới bên cạnh LHP Cannes, Berlin, Toronto và Sundance. LHP Venice được quốc tế ca ngợi vì tôn vinh sự sáng tạo, độc đáo và tự do trong nghệ thuật để thể hiện sự đa sắc màu thông qua phim ảnh.Phá vỡ khuôn thước về những người phụ nữ Việt“Mưa trên cánh bướm” lấy nút thắt mở màn là câu chuyện ngoại tình của ông Thành (Lê Vũ Long) bị bắt gặp ngay trên trận bóng đá được phát sóng trực tiếp. Hai mẹ con Tâm (Tú Oanh) và Hà (Nam Linh) lên xe máy đi đánh ghen, nhưng chính sự thiếu quyết tâm của mẹ khiến Hà phải bất lực: “Ai bắt mẹ phải khổ như thế?”. Chỉ một câu hỏi đơn giản nhưng dễ dàng gợi ra hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt: hi sinh, đặt gia đình lên trước hạnh phúc của bản thân, cam chịu để vun vén hạnh phúc. Tập trung về khuôn mẫu giới, phim vẽ lên một bức tranh gia đình dường như quen thuộc: Trong khi bà Tâm tháo vát, tất bật chu toàn từ công việc đến nhà cửa thì người chồng lại không động tay vào việc gì. Khi biết chuyện chồng có người phụ nữ khác, bà Tâm không trực tiếp giải quyết với ông Thành, mà sử dụng bùa ngải và mong mỏi chồng sẽ hồi tâm chuyển ý. Trong khi đó, Hà đại diện cho thế hệ phụ nữ trẻ có tư tưởng hiện đại, không thể nào đồng tình với bà Tâm, dẫn đến sự xa cách giữa mẹ và con gái. Chán nản vì gia đình không hạnh phúc, Hà muốn thoát ly với ước mơ du học Châu Âu.
Lấy văn hóa dân gian xen lẫn những vấn đề xã hội, “Mưa trên cánh bướm” kể câu chuyện mà ở đó phụ nữ làm trung tâm
Bà Tâm không ngờ, lá bùa bà sử dụng không có tác dụng với chồng nhưng lại hấp dẫn một thế lực siêu nhiên tới, ẩn núp trong gia đình. Dẫu vậy, chỉ có những người phụ nữ mới có thể nhìn thấy nó. Sự hiện diện của nó ban đầu chỉ như những đốm nước ẩm ướt, nhỏ giọt trên trần nhà. Sau đó là lớn dần thành chất keo đen đục như nhựa đường, bám rễ chắc chắn rồi vươn những tua dính cuốn quanh phòng và ảnh hưởng lớn nhất đến bà Tâm.
Bà Tâm (Tú Oanh thủ vai) là một phụ nữ Việt điển hình: hi sinh hạnh phúc bản thân để chu toàn chăm sóc chồng con. Dù vậy, chồng bà vẫn ngoại tình, con gái thì xa cách mẹ
Lấy chất liệu từ đời sống tinh thần Việt, cùng vấn đề xã hội thiết thực, đạo diễn Dương Diệu Linh đã tạo ra những thước phim đầy mê hoặc kết hợp đa dạng các thể loại. Nữ đạo diễn chia sẻ về tác phẩm: “’Mưa trên cánh bướm’ bắt đầu cuộc hành trình khám phá kẻ thực sự gây ra nỗi đau cho phụ nữ, qua thế giới đan xen của mẹ và con gái, dẫn đến một phát hiện bất ngờ. Đây là nỗ lực của tôi để phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu về những người phụ nữ buồn bã và bất lực, thay vào đó thể hiện họ đầy sức sống và hài hước, với một chút chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và những giấc mơ”.Điểm sáng của nền điện ảnh Việt trên thị trường quốc tếTuần lễ Phê bình Quốc tế tại LHP Venice chuyên phát hiện những giọng nói mới trong ngôn ngữ điện ảnh. “Mưa trên cánh bướm” cạnh tranh cùng 6 bộ phim khác được chọn lựa kỹ càng trong số hơn 700 phim gửi về. Bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo của Dương Diệu Linh với vai trò là đạo diễn kiêm biên kịch đã chiến thắng hai hạng mục. Đầu tiên là giải thưởng cho bộ phim sáng tạo nhất, được đánh giá bởi các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi là “Circolo del Cinema Verona”. Hạng mục này từng tôn vinh nhiều tài năng điện ảnh trên thế giới, như Kenneth Lonergan nổi tiếng với “You Can Count on Me” (2000), “Manchester by the Sea” (2016), hay Olivier Assayas với “Irma Vep” (2022), “Clean” (2021). Giải thưởng giành chiến thắng thứ hai của phim là giải thưởng tôn vinh bộ phim hay nhất tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế, “IWONDERFULL” Grand Prize.
Thành viên đoàn làm phim “Mưa trên cánh bướm” tham dự LHP Venice 2024
Nhận tràng pháo tay hơn 2 phút tại LHP Venice 2024 giúp “Mưa trên cánh bướm” nhận được đông đảo sự chú ý từ giới chuyên môn. IndieWire, một chuyên trang phê bình phim Độc lập (Independent film) được thành lập vào năm 1996, nhận xét: “‘Mưa trên cánh bướm’ là bộ phim đầu tay đầy mê hoặc của Dương Diệu Linh. Những thước phim sáng tạo, ấn tượng và hấp dẫn trong tác phẩm giúp nữ đạo diễn trở thành một nghệ sĩ đáng để theo dõi trong giai đoạn bùng nổ của điện ảnh Việt Nam tiếp theo”.Tạp chí ScreenDaily chuyên đưa tin về các bộ phim tại các LHP nổi tiếng lại bình luận: “Tác phẩm là sự kết hợp nhiều thể loại, hài kịch, kỳ ảo và một chút kinh dị… Sự pha trộn độc đáo giữa chủ nghĩa nữ quyền, văn hóa dân gian truyền thống xen lẫn sắc thái mê tín của bộ phim có thể thu hút sự quan tâm của những ban giám khảo LHP và khán giả trong nước”. Với việc xây dựng tốt mâu thuẫn tư tưởng thế hệ giữa mẹ và con gái trong một gia đình ở Hà Nội, “Mưa trên cánh bướm” được Cineuropa so sánh, gợi nhắc tới bộ phim hài – kỳ ảo “Juliet of the Spirits” (1965) của đạo diễn Federico Fellini và “Alice” (1990) của Woody Allen.
Tác phẩm là sự kết hợp nhiều thể loại, hài kịch, kỳ ảo và một chút kinh dị
Sự pha trộn độc đáo giữa chủ nghĩa nữ quyền, văn hóa dân gian truyền thống xen lẫn sắc thái mê tín của bộ phim có thể thu hút sự quan tâm của những ban giám khảo LHP và khán giả trong nước
Tạm biệt nắng ấm ở Venice, “Mưa trên cánh bướm” tiếp tục tranh giải tại LHP Toronto với hạng mục đề cử Centrepiece, giải thưởng vinh danh những tác phẩm điện ảnh đương đại, tượng trưng cho hơi thở tuổi trẻ đầy màu sắc. Như vậy, phim đã tham dự 2/5 LHP lớn nhất trên thế giới. Được biết cả ba buổi ra mắt phim tại Toronto đều gần như không còn chỗ trống, dù kéo dài đến nửa đêm nhưng khán giả vẫn nán lại nghe phần hỏi đáp chia sẻ về phim. Tháng 10 sắp tới, đoàn sẽ tiếp tục tham dự LHP quốc tế Busan tại hạng mục “Cửa sổ điện ảnh châu Á”. Tác giả: Kim Thanh