Hội chứng sợ yêu

01/09/2022 08:20
Hà Nội - Chị Hoa 34 tuổi, lấy chồng nhiều năm nhưng chưa từng quan hệ tình dục thành công, sợ gần gũi với chồng, thậm chí stress khi nghĩ đến chuyện ân ái.

Trao đổi với bác sĩ, chị cho biết rất yêu thương chồng. Cả hai yêu nhau ba năm, kết hôn và chung sống ba năm, không có mâu thuẫn. Tuy nhiên, mỗi lần quan hệ thì toàn thân chị co rúm vì sợ, âm đạo co cứng lại như "bức tường" nên không thể ân ái thành công. "Nếu tiếp tục cuộc yêu một cách miễn cưỡng sẽ khiến cơ thể đau đớn", chị nói. Tình trạng này kéo dài khiến chị mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Chị đến bệnh viện kiểm tra, kết quả giải phẫu học, siêu âm không có bất thường.

Chưa lập gia đình, Loan 27 tuổi, cũng thường xuyên áp lực vì bị mọi người hỏi về việc lập gia đình. Từ lúc đi học, cô được nhiều người theo đuổi nhưng từ chối vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Sau này, cô cũng được giới thiệu nhiều đối tượng, nhưng luôn "cả thèm, chóng chán". Cuộc sống mỗi ngày đều xoay quanh công việc, không có nhiều thời gian để gặp gỡ, làm quen.

Thỉnh thoảng, cô bị stress cũng muốn có người tâm sự nhưng áp lực công việc lại cuốn đi. Mỗi lần về quê, mọi người hỏi có người yêu chưa, khi nào cưới, Loan áp lực và dị ứng với từ "ế", thậm chí nằm mơ bị giục lấy chồng càng khiến cô mệt mỏi. Cô nói, cuộc sống hiện tại đang rất ổn, chưa có mong muốn lập gia đình, muốn gây dựng sự nghiệp trước.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết nhiều người cũng giống như Loan, Hoa, thậm chí có trường hợp phải điều trị tâm lý vì sợ hãi và ám ảnh. Nỗi sợ không chỉ xuất hiện trong mối quan hệ yêu đương mà cả trong đời sống vợ chồng.

Nhóm người này thường dễ bị những người xung quanh, đặc biệt là gia đình chỉ trích là hâm dở, chảnh, tính khác người, vô cảm... Bản thân họ cũng thường chỉ cho rằng mình chưa sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ, chưa tìm được người phù hợp chứ không nghĩ rằng tâm lý mình không ổn định.

Theo Clevel and Clinic, hội chứng sợ yêu có tên khoa học là Philophobia. Thuật ngữ này được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, trong đó "filos" có nghĩa là tình yêu hoặc được yêu và "phobia" là nỗi sợ, nỗi ám ảnh vô lý. Bệnh được đặc trưng bởi nỗi ám ảnh, lo lắng quá mức với tình yêu, bao gồm cả việc nhận tình yêu của người khác hay những rung cảm xuất phát từ chính bản thân mình.

Biểu hiện thường gặp là luôn cảm giác lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ quá nhiều khi hẹn hò, gặp gỡ với một ai đó nên thường tìm cách né tránh. Họ luôn chạy trốn, cảm thấy vô cùng gò bó, khó chịu, bức bối, né tránh các vấn đề kết hôn, làm mai, suy nghĩ tiêu cực về tình yêu; cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng khi sống một mình, làm việc một mình, không phải tiếp xúc với ai

Tuy nhiên, "mỗi người có một nỗi sợ và đây chỉ là một biểu hiện chứ không phải bệnh", bác sĩ nói. Trường hợp này, bác sĩ can thiệp tâm lý, giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ, làm quen với nỗi sợ. Riêng bệnh nhân như Hoa, bác sĩ tư vấn nong giãn dần âm đạo để quan hệ và sinh con tự nhiên.

Bác sĩ cho biết để hình thành mối quan hệ bền vững cần có ba trụ cột chính. Đầu tiên là tình yêu, sự gắn kết, quan tâm giữa hai người. Thứ hai là đời sống tình dục viên mãn, phù hơp. Thứ ba, là trách nhiệm trong một mối quan hệ, "Khiếm khuyết một trong ba là đều dẫn đến bất ổn.

Do đó, "gốc rễ của sợ yêu là sợ một trong ba điều trên", bác sĩ nói. Những người có trải nghiệm không tốt trong quá khứ hoặc chứng kiến đổ vỡ cũng khiến nỗi lo lắng trở nên quá mức. Nỗi sợ này hình thành từ quá khứ nhưng không thể kiểm soát được nên kéo dài đến hiện tại và tác động tiêu cực đến cả tương lai. Hay một số bạn trẻ thích vui chơi, không muốn ràng buộc, chịu trách nhiệm hoặc sợ chịu trách nhiệm nên không muốn "buộc mình" vào một mối quan hệ nhất định.

"Điều này là yếu tố phân biệt giữa tình yêu và tình dục. Tình yêu phải có trách nhiệm, gắn kết và tình dục chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ thể xác", bác sĩ nói. Tuy nhiên, người sợ tình yêu không phải người vô cảm, họ hoàn toàn có cảm xúc với người khác, chỉ đơn giản là không muốn bước vào một mối quan hệ ràng buộc.

Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ Thành khuyên nên tâm sự với bạn bè hoặc người thân để giải tỏa tâm lý. Dành thời gian mỗi ngày để tập luyện, vận động, ăn uống đủ chất. Không nên quá lo lắng hay tự dằn vặt, trách móc chính bản thân mình vì nằm mơ đến tình dục.

Trường hợp nỗi lo lắng gây ám ảnh, mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cần đi khám tâm lý. Bác sĩ căn cứ vào tình trạng, mức độ để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

*Tên nhân vật được thay đổi

Theo vnexpress.net

Hội chứng sợ yêu - Sức Khỏe